news-details
Cẩm nang ô tô
Lái xe ô tô an toàn

Những lưu ý sống còn khi dừng xe trên cao tốc tài xế Việt không thể không biết

Để tránh nguy hiểm chết người cần nắm những quy tắc xử lý khi dừng xe khẩn cấp trên cao tốc dưới đây

Do vậy, nếu xe ô tô của bạn không may gặp sự cố và cần dừng khẩn cấp trên đường, cần có những biện pháp chắc chắn rằng các tài xế khác nhận biết được xe bạn có vấn đề như các dụng cụ để cảnh báo cho xe khác biết như đèn khẩn cấp, áo phản quang, cọc tiêu. Bên cạnh đó, cần lưu ý kỹ những cách xử lý lái xe ô tô an toàn dưới đây để phòng trường hợp xấu nhất xảy ra.

 

Các bác tài chia sẻ kinh nghiệm khi cần dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc của mình như sau

Anh Hữu Thọ cho hay: “Tôi thấy hàng trăm xe khách dừng đỗ nhiều lần trên cao tốc để khách đi vệ sinh, hóng gió, đón trả khách sai quy định quá nguy hiểm mà chưa khắc phục được.

Đường cao tốc cấm tài xế dừng đỗ vì quá nhiều người dừng đỗ trái phép. Tuy nhiên, nếu xe hư hỏng thì nên gọi cứu hộ thay vì tự khắc phục, không nên tự sửa chữa. Tôi thấy các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã có hệ thống camera giám sát và lực lượng tuần đường, khi có xe bị sự cố, lực lượng này sẽ nhanh chóng có mặt, đưa xe hư hỏng ra khỏi cao tốc để đảm bảo an toàn.”

Anh Phương cho ý kiến: “Căn cứ theo quy định điều 26 Luật Giao thông đường bộ, người lái xe trên đường cao: Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Với quy định trên, được hiểu rằng, người lái xe được phép đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy (cụ thể ở đây có thể là lề đường – điểm phình ra trên đường phía tay phải) trong trường hợp khẩn cấp, và trường hợp người lái xe buộc phải dừng xe (chủ yếu do trường hợp bất khả kháng, nguyên nhân khách quan mang lại).

Bên cạnh đó, trong quá trình dừng đỗ, bạn phải thực hiện các biện pháp như: đặt biển cảnh báo nguy hiểm, liên hệ đơn vị cứu hộ để giải quyết vụ việc đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khác.”

 

Tham khảo bài viết "Những quy tắc sống còn khi dừng xe trên cao tốc ở Việt Nam" của Đức Huy

  1. Đỗ xe ra khỏi làn xe chạy

Dù xe gặp sự cố gì, hãy cố gắng đưa xe nằm trọn vẹn trong làn dừng khẩn cấp, không "thò" ra làn xe chạy. Nếu xe hết xăng giữa đường hay vì một lý do nào đó động cơ không thể khởi động thì thậm chí phải đẩy xe vào lề đường. Khi một phần thân xe vẫn nằm trên làn xe chạy thì rất khó cho các phương tiện khác để điều tiết tốc độ cũng như chuyển làn.

Trên cao tốc thường có những nơi làm rộng ra hẳn so với làn dừng khẩn cấp thông thường, tài xế nên đưa xe tới vị trí này để an toàn nhất.

  1. Bật đèn khẩn cấp

Việc nháy đều hai đèn xi-nhan sẽ giúp tài xế khác nhận biết nhanh nhất xe của bạn đang gặp vấn đề. Nhiều người chỉ bật xi-nhan bên phải như dừng bình thường trên phố, như vậy là sai lầm. Bất cứ khi nào phải đỗ xe trên lề đường, dù là đường quốc lộ hay cao tốc, cũng nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm. Đây còn là quy định trong luật giao thông, khi dừng khẩn cấp trên cao tốc phải có đèn cảnh báo cho các phương tiện khác.

  1. Hạn chế người trên xe

Nếu xe gặp sự cố có thể khắc phục tại chỗ như thay lốp, những người có kỹ năng xuống xe xem xét, những người còn lại cũng không nên ngồi lại mà ra khỏi xe. Cách tốt nhất là bước ra phía sau lan can đường hoặc khu vực càng xa làn đường xe chạy càng tốt.

Cao tốc tại Việt Nam thường nằm bên cạnh đường ray tàu hỏa, vì vậy khi đứng chờ ở phía sau lan can cao tốc nhất thiết không tiến lại gần đường ray. Khi tàu hỏa chạy qua, quán tính lớn có thể hút người đứng gần gây tai nạn.

Nếu tất cả những điều kiện này không cho phép, nên đứng sát vào lan can đường, ở phía trước và cách xa nơi gặp sự cố. Nhiều người nghĩ nên đứng phía sau vì nếu có xảy ra va chạm thì có xe chống đỡ, nhưng thực tế đứng trước điểm xe bị nạn sẽ tăng độ an toàn vì xe khác sẽ nhận thấy, và nguy cơ bị đâm khi đứng sát lan can cũng giảm đi đáng kể.

  1. Những vật dụng cảnh báo nguy hiểm

Ở nhiều nước trên thế giới, xe bán ra thường đi kèm một số vật dụng cảnh báo nguy hiểm như tam giác phản quang. Nhưng tại Việt Nam, dụng cụ này chỉ xuất hiện trên xe sang, xe nhập khẩu, xe phổ thông lắp ráp thường không có.

Nếu xe không có, tài xế nên trang bị thêm những vật dụng sau: tam giác phản sáng, cọc tiêu hình nón, đèn nháy, áo phản quang. Những người thường xuyên đi đêm đường dài có thể tự chuẩn bị cả loại đèn dựng đứng phát sáng nhấp nháy dạng cột.

  1. Cách sử dụng các vật dụng cảnh báo nguy hiểm
  • Sau khi bật đèn cảnh báo trên xe, tài xế mặc bộ đồ phản quang, ngay cả ban ngày để tăng khả năng nhận biết.
  • Tùy thuộc tốc độ lưu thông trên đường, tài xế đặt tam giác phản quang cách xe từ vài chục tới 100-150 m. Dọc đường từ tam giác phản quang tới xe xếp cọc tiêu hình nón cách đều nhau, tạo thành một barrier di động, ngăn xe khác lao vào vùng có xe gặp vấn đề.
  • Nếu trời tối, đặt thêm loại đèn nháy ở nơi có tam giác phản quang và cả nơi đỗ xe khẩn cấp. Nếu trên xe có nhiều người thì nên cử vài người cầm đèn tại điểm đầu tiên và một vài vị trí tới gần xe để tăng khả năng nhận biết.
  • Tốt nhất nên có vài chiếc tam giác phản quang, 5-6 cọc tiêu, 2 đèn nháy và một vài bộ phản quang. Những vật dụng này khi xếp gọn tốn rất ít diện tích ở cốp xe.
  1. Không cố sửa xe bằng mọi cách

Sau khi thử kiểm tra tình trạng, nếu thấy không thể sửa chữa thì không nên cố gắng. Thời gian ngồi trên lòng đường cao tốc càng lâu, rủi ro càng tăng, nhất là trong đêm tối, tầm nhìn giảm. Cách tốt nhất là tìm nơi an toàn cách xa làn xe chạy và gọi cứu hộ.

Trang bị các vật dụng cảnh báo nguy hiểm

Trên đây là những kiến thức khá hữu ích giúp bạn có thể xử lý tình huống dừng đỗ xe khẩn cấp trên cao tốc an toàn hơn, nên ghi nhớ và làm theo để bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.

Hãy chia sẻ kinh nghiệm lái xe ô tô an toàn của bạn cho mọi người cùng tham khảo qua bình luận ngay dưới đây nhé!

 

You can share this post!