Thủ tục giấy tờ mua bán xe ôtô cũ đã qua sử dụng, các vướng mắc liên quan
Các bước thực hiện và thủ tục giấy tờ khi mua bán ôtô đã qua sử dụng:
1. Thủ tục giấy tờ sang tên đổi chủ
Nếu bạn mua ôtô mới hoặc ôtô cũ từ các đại lý ôtô hoặc các nơi bán ôtô chuyên nghiệp bạn nên thương thảo để họ thực hiện trọn gói việc sang tên, đổi chủ, đổi sổ lưu hành cho bạn. Như vậy bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian va công sức bởi vì người bán là những người chuyên nghiệp về ôtô, họ rất biết phải làm thế nào cho nhanh và hiệu quả.
Tuy nhiên chúng tôi khuyên bạn nên đọc phần dưới đây để có thể biết được qui trình của việc mua – bán ôtô, đặc biệt là ôtô cũ, qua đó bạn có thể tự mình sang tên đổi chủ cho ôtô bạn mua hoặc đơn giản cũng hiểu thêm các qui định của pháp luật về việc này.
2. Làm hợp đồng mua bán ôtô
Sau khi hai bên mua/bán đã xem kỹ tình trạng xe, giấy tờ xe, kiểm tra đối tác... và hai bên đã thống nhất được giá mua bán và các điều kiện mua bán khác, trình tự mua bán sẽ như sau:
Tôt nhất việc làm hợp đồng mua bán ôtô này được thực hiện ngay tại Phòng công chứng nhà nước, có chứng thực của Công chứng viên hoặc bạn có luật sư giúp bạn. Từ khi có công chứng tư, việc này được thực hiện khá dễ dàng (trong thời gian khoảng hơn 1 giờ đồng hồ là xong toàn bộ).
Thông thường bên mua thanh toán ngay 80% số tiền mua xe (hoặc có thoả thuận khác) và sẽ được mang ngay ôtô đó về. Người bán vẫn giữ lại toàn bộ giấy tờ xe. Ngay khi đó hai bên làm Hợp đồng (viết tay) có nội dung tương tự như Hợp đồng mua bán ôtô theo mẫu của các Phòng công chứng nhà nước.
Trong hợp đồng này ghi rõ: bên bán đồng ý bán và bên mua đồng ý mua. Bên mua đã thanh toán trước số tiền là:... Số tiền còn lại là:... bên mua sẽ thanh toán cho bên bán sau khi có hợp đồng mua bán có công chứng. Bên bán sẽ giao giấy tờ xe ngay khi bên mua thanh toán đủ tiền theo hợp đồng.
Tiếp theo cả 2 bên tới Phòng công chứng Hợp đồng mua bán ôtô tại bất kỳ Phòng công chứng nào. Cần chuẩn bị các giấy tờ sau: (tất cả đều là bản chính để Công chứng viên kiểm tra)
Mang bộ hồ sơ này đến Phòng công chứng gặp Công chứng viên. Công chứng viên sẽ xem bộ hồ sơ này, soạn thảo hợp đồng. Tại đây Công chứng viên sẽ đọc lại hợp đồng mua bán cho cả hai bên cùng nghe, mỗi bên từng người một đọc kỹ lại hợp đồng và ký vào hợp đồng trước mặt Công chứng viên. Công chứng viên ký xác nhận việc mua bán của hai bên, sau đó đóng dấu của Phòng công chứng.Phí công chứng 0,01% giá trị xe + 300.000vnđ phí lưu giữ hồ sơ 20 năm.
Lúc này người bán đã có thể bàn giao toàn bộ giấy tờ xe và Hợp đồng mua bán ôtô có công chứng cho người mua và người mua thanh toán nốt số tiền còn lại theo hợp đồng cho người bán.
Nếu bạn mua xe từ một Công ty nào đó thì hai bên làm hợp đồng mua bán tương tự như mẫu đã nói ở trên và có ký tên đóng dấu của bên bán, sau đó bên bán xuất hoá đơn GTGT cho bên mua. Hợp đồng mua bán này không phải công chứng nhà nước, bộ hợp đồng và hoá đơn GTGT này là bộ hồ sơ hợp lệ để sang tên đổi chủ.
Tuy nhiên người bán và người mua còn phải gặp nhau một lần nữa. Mời bạn đọc tiếp phần sau đây.
3. Nộp thuế trước bạ
Người mua mang toàn bộ giấy tờ xe và Hợp đồng mua bán ôtô có công chứng đến Chi cục thuế quận (huyện) nơi mình ở để nộp thuế trước bạ (với xe du lịch thông thường hiện nay tại HN và TPHCM là 10%). Lưu ý rằng số tiền ghi trên HĐMB chỉ để cán bộ thuế tham khảo. Cán bộ thuế căn cứ vào barem có sẵn để tính số tiền thuế của bạn.
4. Đăng ký ôtô
Sau khi có hoá đơn thuế trước bạ, người mua ôtô sẽ mang bộ hồ sơ này đến cơ quan công an đăng ký xe ôtô ( có qui định địa điểm đăng ký tuỳ vào địa phương bạn).
Ở đây có một lưu ý: Nếu bạn mua xe không cùng tỉnh/thànhphố bạn đang có hộ khẩu thường trú thì bạn phải yêu cầu người bán rút hồ sơ xe (hồ sơ gốc) tại cơ quan công an tỉnh/thanh phố nơi ôtô đó đang đăng ký. Điều này là bắt buộc nếu không bạn không đăng ký sang tên bạn được. Đây gọi là thủ tục chuyển vùng.
Tại cơ quan công an bạn được phát Tờ khai đăng ký ôtô. (Lưu ý rằng bạn phải cần chữ ký của người bán vào Tờ khai đăng ký ôtô, nên bạn phải thương thảo trước với người bán về việc này, nếu cần phải giữ lại một số tiền. )
Bạn phải cà số khung, số máy để dán vào tờ khai (thông thường có dịch vụ này, tuỳ theo độ dễ, khó mà giá tiền từ vài chục đến một hai trăm ngàn đồng).
Sau khi tiếp nhận hồ sơ của bạn, nếu cùng tỉnh/thành phố, ôtô của bạn sẽ giữ nguyên biển số và cơ quan công an sẽ hẹn bạn ngày tới lấy đăng ký xe mới (khoảng 10 ngày). Nếu ôtô của bạn thuộc dạng chuyển vùng, xe của bạn được cấp ngay biển số mới và cũng được hẹn ngày tới lấy đăng ký xe.
5. Khám lưu hành, đổi sổ lưu hành
Sau 10 ngày bạn sẽ có đăng ký ôtô trên mang tên bạn. Lúc này nếu bạn và người bán có hộ khẩu thường trú tại cùng tỉnh hoặc thành phố (xe của bạn vẫn giữ nguyên biển số) thì bạn có thể sử dụng xe đến hết thời hạn lưu hành ghi trên sổ đăng kiểm và tem kiểm định, khi gần hết hạn đi đăng kiểm. Nếu xe của bạn phải chuyển vùng (đổi biển số) thì bạn nên đến trạm đăng kiểm đổi sổ lưu hành và khám lưu hành xe ngay mặc dù bạn có thể đi đến hết thời gian đăng kiểm còn lại.
Rất lưu ý rằng nếu bạn mua ôtô không cùng tỉnh/thành phố nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú thì bạn phải yêu cầu người bán đến trạm đăng kiểm gốc (trạm đăng kiểm đã cấp sổ đăng kiểm cho ôtô này) để rút hồ sơ cho bạn. Nếu không làm điều này bạn sẽ không đăng kiểm được xe của bạn, khi đó bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Tại cơ quan đăng kiểm bạn sẽ được yêu cầu mua Bảo hiểm TNDS nếu xe của bạn chưa mua hoặc hết hạn.
Xe của bạn phải khám lưu hành để có lưu hành mới, đồng thời sổ lưu hành của bạn cũng được đổi sang biển số xe mới của bạn (nếu xe bạn đổi biển số) và tên của bạn. Chí phí khám xe đăng kiểm khoảng 140.000đ/lần.
Đến đây đã có thể chúc mừng bạn, chiếc ôtô bây giờ đã chính thức là của bạn, bạn có toàn quyền sử dụng, mua bán, thế chấp....
10 bộ phận cần kiểm tra khi mua xe cũ
Lời khuyên của các chuyên gia dành cho những người đi mua ô tô cũ là nên đi cùng một người am hiểu về kỹ thuật xe hơi, kinh nghiệm và kiến thức của họ sẽ giúp bạn đánh giá một chiếc xe tổng thể nhất. Dưới đây là 10 bộ phận tưởng chừng có vẻ đơn giản nhưng rất nhiều người hay bỏ qua khi đi mua bán ô tô cũ.
1. Thân xe
Kiểm tra thân xe là điều đầu tiên bạn nên làm khi tiếp cận với một chiếc xe cũ. Kiểm tra nước sơn, độ phẳng, cong của lớp vỏ, gỉ sét là những yếu tố có thể nhìn bằng mắt thường thông qua đó phần nào nhận định tuổi thọ hoặc độ bền của xe.
2. Lốp, hệ thống giảm xóc
Kiểm tra độ bền lốp, áp suất lốp còn đủ tiêu chuẩn hay không, có cần thay thế hay không để làm yếu tố thương thảo giá. Hệ thống giảm xóc cũng quan trọng không kém, thử cho xe chạy ở những loại địa hình khác nhau để kiểm tra phản ứng.
3. Đèn xe
Hệ thống đèn là rất cần thiết khi di chuyển ban đêm hay qua những vùng nhiều sương mù, hay có mưa. Đèn pha trước sau, đèn phanh và đèn tín hiệu đều cần được thử nghiệm độ sáng, độ chiếu xa cũng nhưng tuổi thọ đèn.
4. Bảng điều khiển
Bảng đồng hồ điều khiển cùng các nút bấm hoặc màn hình cảm ứng cần chính xác, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về tình trạng xe và hành trình di chuyển. Thử tất cả các nút bấm dù là nhỏ nhất như âm lượng, chuyển bài hát để chắc chắn rằng mọi bộ phận của xe đều hoạt động trơn tru với nhau.
5. HVAC (Heating, Ventilation & Air Conditioning)
HVAC là hệ thống nhiệt, quạt thông gió và điều hòa không khí của xe. Đối với những đất nước có khí hậu khắc nghiệt như ở Việt Nam thì việc kiểm tra hệ thống HVAC lại càng cần thiết.
6. Két làm mát, ống dẫn
Két nước làm mát là bộ phận đầu tiên dễ dàng kiểm tra bên dưới nắp ca-pô. Nếu dung dịch không nhiều, có hiện tưởng dính bẩn thì chứng tỏ chủ cũ đã không quan tâm nhiều tới bộ phận này. Người thợ kỹ thuật cũng sẽ kiểm tra kỹ lưỡng các lá tản nhiệt để chắc chắn không bị mỏng hay xốp. Đường dẫn nước mát cũng nên soi xét để biết có cần thay hay không.
7. Dầu nhớt
Dầu bôi trơn động cơ cũng như máu của cơ thể sinh vật, nếu không đủ dung tích hoặc chất lượng không tốt thì cỗ máy sẽ không thể cho hiệu suất cao, nhanh hao mòn. Giống với nước mát, dầu bôi trơn nên kiểm tra lượng và chất.
8. Động cơ
Kiểm tra động cơ ở đây bao gồm nổ máy và sức nén. Thời gian khởi động máy, tiếng máy nổ có "mượt", êm hay không đều khiến những người lành nghề phát hiện ra vấn đề của động cơ. Đồng hồ kiểm tra lực nén sẽ giúp người thợ kiểm tra áp lực mà xi-lanh tạo ra có đạt tiêu chuẩn hay không.
9. Ống xả
Điều đầu tiên là thử ga mạnh kiểm tra lượng khói thoát ra từ ống xả nhiều hay ít, có màu lạ hay không, nếu có vấn đề chứng tỏ xe đang thiếu dầu hay lâu chưa thay dầu hoặc ống xả, động cơ gặp trở ngại trong quá trình đốt cháy hay xả khí thải. Cũng không nên dễ dãi để chấp nhận nhưng chiếc xe với ống xả quá cũ, có khả năng bị thủng bất cứ lúc nào.
10. Phanh, hệ thống truyền động
Yến tố an toàn là phanh cần đặt lên hàng đầu, thử phanh ở nhiều điều kiện mặt đường cũng như thời tiết để chắc chắn rằng hệ thống thủy lực, má phanh, đĩa phanh đều đạt tiêu chuẩn. Hộp số cần được thử nghiệm ở nhiều tốc độ, đặc biệt với số sàn, nếu có tiếng động lạ mỗi lần vào số, chân ga bắt không đều với ly hợp, sức kéo của xe kém đều là những dấu hiện chứng tỏ hệ thống truyền động của xe cần được kiểm tra lại trước khi bạn quyết định mua xe.
Cách bảo dưỡng dầu hộp số tự động
Các hộp số tự động sử dụng dầu truyền động riêng có tên gọi ATF (Automatic Transmission Fluid), đóng vai trò tạo lực nén thủy lực, giải nhiệt và tẩy rửa các chất bẩn trong hệ thống. Việc kiểm tra mức dầu, bổ sung, thay dầu đúng lúc sẽ góp phần giúp hộp số tự động hoạt động hiệu quả, giảm tiêu hao nhiên liệu cũng như tăng tuổi thọ.
Với điều kiện giao thông đặc thù như ở Việt Nam, các hãng xe thường khuyến cáo người sử dụng nên thay dầu hộp số sau 2 năm sử dụng hoặc 50.000 km đi được (tùy theo điều kiện nào đến trước).
Trên đa số các mẫu xe, việc kiểm tra dầu ATF hết sức đơn giản bởi que thử được đánh dấu bằng miếng kim loại ghi chữ ATF. Có hai loại que thử, một có màu vàng để thử dầu động cơ còn que màu đỏ để thử dầu hộp số. Tuy nhiên, không phải xe nào cũng trang bị 2 loại que thử trên nên bạn cần tư vấn của kỹ thuật viên trước khi sử dụng. Thông thường, que thử dầu hộp số đặt ngay phía sau hoặc bên cạnh động cơ.
Khi xác định được que thử dầu hộp số, công đoạn tiếp theo là bạn đưa xe đỗ trên bề mặt phẳng, làm nóng hệ truyền động bằng cách khởi động máy khoảng 10 phút. Không giống như kiểm tra dầu động cơ (tắt động cơ, để nguội khi tiến hành), khi xác định mức dầu hộp số, bạn cần để xe chạy ở chế độ cầm chừng.
Sau đó, bạn đạp phanh, chuyển qua tất cả các số rồi sau đó về số P (đỗ) hoặc số N tùy thuộc vào hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất. Một vài nhà sản xuất không có hướng dẫn đo mức dầu hộp số trong sổ tay sử dụng nên bạn cần lưu ý. Hơn nữa, cần giữ chắc chân phanh và xác nhận phanh hoạt động tốt khi tiến hành.
Cần để động cơ hoạt động và chuyển qua tất cả các số là do trước khi kiểm tra mức dầu ATF, buồng thủy lực trong hệ thống dẫn động phải nạp đầy dầu cũng như lưu thể lưu thông bình thường. Các thao tác này đảm bảo kết quả bạn đo được là hoàn toàn chính xác.
Sau khi chắc chắn xe ở số P và phanh hoạt động tốt, bạn thực hiện thao tác kiểm tra dầu hộp số với những bước tương tự như kiểm tra dầu động cơ. Trước tiên là lấy que thử, lau sạch, đưa trở lại bình dầu rồi kiểm tra dầu trên que. Tuy giống với quy trình kiểm tra dầu động cơ nhưng có 2 sự khác biệt giữa chúng. Đầu tiên, que thử dầu hộp số mềm hơn và dài hơn nên khó đưa nó vào bình hơn, vì vậy, cần kiên nhẫn và tiến hành ở nơi đủ ánh sáng để thao tác được dễ dàng.
Thứ hai, dầu hộp số trong hơn dầu động cơ nên rất khó đọc trên que thử. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn đặt que thử lên một miếng vải trắng, sạch. Các ký hiệu trên que thử gồm “Add” và “Full”. Nếu mức dầu thấp hơn vạch “Add”, hãy thêm một phần tư lượng dầu định mức, chờ 2-3 phút và thử lại lần nữa. Nếu dầu có màu đen hay mùi cháy, hãy kiểm tra cơ cấu hoạt động và thêm dầu nếu cần thiết.
Lựa chọn dầu hộp số tự động cần phải đúng chủng loại và không thể tùy tiện như dầu động cơ. Cơ sở để chọn dầu hộp số ATF phù hợp là độ nhớt cũng như các thành phần hóa học. Nếu dùng sai chủng loại, trộn lẫn các loại dầu khác nhau có thể gây nên hiện tượng đóng cặn, phá vỡ các tính chất cơ bản. Vì vậy, các hãng xe thường đưa ra khuyến cáo sử dụng dầu nhớt cho từng loại hộp số của mình. General Motors cảnh báo người sử dụng nên dùng dầu Dexron IIE và Dexron III còn Chrysler dùng dầu Mopar ATF-Plus.
Theo kỹ thuật viên của Ford Việt Nam, dầu hộp số thường do các nhà thiết kế hộp số quy định và các loại xe Escape 3.0 dùng dầu Exxon H trong khi Escape 2.3 dùng dầu Idemitsu. Với Laser, Ford khuyến cáo dùng dầu Dexron III (có nhiệt độ sôi cao hơn) hoặc Mercon II. Hầu hết các loại xe Ford ở Mỹ dùng dầu Mercon.
Một vài hãng yêu cầu dầu đặc biệt cho những mẫu xe đặc biệt. Ví dụ, tất cả các loại xe dẫn động 4 bánh của Toyota đều sử dụng dầu Type T. Trong khi đó, Mercedes yêu cầu một loại dầu đăng ký độc quyền và chỉ nhà sản xuất này mới được phép cung cấp.
Cập nhật thêm những thông tin về thị trường mua bán ô tô cũ tại đâu?
Đăng tin, mua bán ô tô cũ trên MuaBanNhanh.com. Xem ngay: Mua bán ô tô cũ giá rẻ