Kinh nghiệm phanh và đổ đèo khi lái ôtô tài xế nên biết
Theo những kiến thức tôi đã được học thì với trường hợp phanh và đổ đèo, các tài xế nên quan sát độ dốc để ước lượng nên dùng số mấy để rà phanh giảm tốc về vận tốc phù hợp với mức số rồi chuyển số dứt khoát. Còn nhiều kỹ thuật nữa mà thông tin trong bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn, đừng bỏ lỡ nhé!
Chia sẻ kinh nghiệm khi phanh và đổ đèo bằng ôtô của một số bạn như sau
Kinh nghiệm của Duy Linh: “Xin chia sẻ một vài kinh nghiệm:
- Giảm tốc + kèn (hoặc đá đèn vào ban đêm) trước khi vào khúc quanh
- Nhường đường cho xe lên dốc trong các đoạn đường hẹp
- Lên đèo số nào xuống số đó
- Không vượt xe khác khi chuẩn bị vào đoạn quanh hướng bên phải (vì tầm nhìn ngắn hơn khúc cua bên trái và đoạn đường thẳng)
Chúc các bác tài luôn lái xe an toàn!”
Chia sẻ của Minh Châu: “Em mới có bằng vài tháng, vừa trải nghiệm luôn đường lên Mai Châu bằng con ôtô Toyota, lần đầu tiên gặp địa hình đồi núi quanh co lên xuống cũng hơi lo nhưng với kinh nghiệm đi xe máy em đã làm gần đúng như lý thuyết của bác dù trong đầu khi đó chỉ biết là dùng ít phanh nhất có thể: xe lao nhanh em đệm phanh về số thấp, xe chậm đi nhưng vòng tua máy bị đẩy cao lên 4-5 nghìn em lại lên số. Đó là một chuyến khó đi đầu tiên nhưng thu được rất nhiều điều để khi đọc bài học. Theo em lên dốc số nào thì xuống dốc số đó, chủ động đi đúng phần đường của mình tránh bị bất ngờ khi gặp xe ngược chiều. Thả chân ga và luôn đạp phanh lúc bó cua. Không nên xuống nhanh quá 40 km/h. Cũng không nên xuống chậm quá nếu đường tốt ảnh hưởng đến xe sau.”
Bạn Hải cho ý kiến: “Xin chia sẻ thêm, cơ bản khi xe lên dốc số nào thì khi xuống dốc vẫn là số đấy. Còn trường hợp khi xuống dốc quá nhanh ta nên thật bình tĩnh chuyển số thứ tự từ nhanh xuống chậm. Lưu ý khi khi ta chuyển số bắt buộc phải thao tác côn đôi, có câu: đi trớn lấy đà,về số vù ga”
Tham khảo "Phanh xe và đổ đèo thế nào cho đúng" của anh Hoàng Đức
Thông tin dưới đây sẽ trả lời cho câu hỏi: Khi phanh thao tác thế nào? Khi đang lái xe thấy khúc cua thì phải làm thế nào? Khi xuống dốc đổ đèo phải thao tác thế nào cho đúng?
1 .Khi phanh thao tác thế nào? (xe số sàn)
- Đạp lên chân bàn phanh với lực vừa phải tùy theo tình huống phanh gấp hay chỉ nhấp nhẹ rà phanh để giảm tốc từ từ, chân trái không động gì vào côn cả.
- Đến khi xe đã giảm đến vận tốc mong muốn thì để ý tốc độ xe hiện tại để đạp côn chuyển số hợp lý, về 1 hoặc 2 hoặc 3 cấp tùy vào vận tốc xe sau khi phanh đang là bao nhiêu.
- Khi cần phanh thì càng phải để côn bám và tận dụng sức gìm của động cơ. Nếu thả trôi, phanh sẽ không có động cơ giúp đỡ nên mình nó phải chịu áp lực lớn hơn để hãm.
Lưu ý: Khi nhả hết chân ga, hệ thống chế hòa khí cắt giảm tối đa lượng xăng cung cấp về mức như đang chạy không tải - guaranty - hệt như cắt côn. Tiếng máy rú to và vòng tua cao chỉ là nó quay theo quán tính chứ không phải đang ngốn xăng cho nên không được đạp côn hoặc tắt máy khi đổ đèo dốc.
2. Phanh gấp bắt đầu thao tác thế nào?
- Đạp phanh và giữ chặt cho đến khi cảm thấy bánh bị bó và trượt (xe không ABS) thì nhả ra rồi lại đạp mạnh, lặp lại liên tục giúp xe phanh gấp không bị trượt xoay ngang vì bánh bị bó cứng.
- Lúc phanh không động đến chân côn. Có nhiều người thao tác không đúng là cứ phanh là họ đạp côn trước!
- Với xe có ABS thì đơn giản hơn: đạp phanh thật lực, giữ chặt, chuyện bánh bị bó cứng đã được hệ thống ABS hỗ trợ. Chân phanh sẽ giật cục vì ABS đang thực hiện phanh nhấp nhả liên tục để giúp bạn phanh gấp mà không bị trượt.
3. Kết thúc phanh gấp thì làm gì?
- Khi phanh gấp đến mức xe gần như dừng hẳn thì mới đạp côn để ngắt động cơ và cầu chủ động để xe không bị chết máy.
- Cần phải đạp âm côn để không chết máy, đồng thời ấn đèn tam giác cảnh báo tình huống khẩn cấp để các xe sau được cảnh bảo từ xa mà giảm tốc, không sẽ dễ bị các xe khác đâm từ đằng sau.
- Ngay sau khi phanh gấp nên nhìn gương chiếu hậu ngay tức khắc để chuẩn bị tư thế giảm thiểu chấn thương nếu thấy xe đằng sau đang chuẩn bị lao vào mình.
4. Khi đang lái xe thấy khúc cua thì thao tác thế nào?
- Nhìn biển báo nếu có. Nếu biển cảnh báo cua gấp, nhất thiết phải rà phanh giảm tốc ngay lập tức trước khi vào cua.
- Nếu ôm cua với tốc độ không đổi thì lực ly tâm là hằng số không đổi, nghĩa là nếu đang cua chưa bị lật thì bạn cứ yên tâm sẽ không bị lật nếu giữ nguyên tốc độ đó.
- Đừng vào cua tốc độ cao, tài xế đang cua bình thường xe không lật nhưng ngay khi tài xế đạp thêm ga tăng tốc trong khi xe vẫn chưa thoát cua lập tức lật.
- Luôn nhớ giảm tốc đến vận tốc an toàn từ trước khi vào cua và hạn chế tăng hoặc giảm tốc độ khi đang cua.
5. Đổ đèo thao tác thế nào? (xe số sàn)
- Dùng phanh để giảm tốc độ kết hợp về số.
- Xe bắt đầu thả dốc, giữ khoảng 50 km/h với số 4, vòng tua máy khoảng 2.200 vòng/phút tùy từng xe.
- Thả hoàn toàn chân ga.
- Không đụng đến côn.
- Tiếng máy to dần và xe trôi nhanh dần, vòng tua lên cao hơn 3.500, nhấp phanh để giảm tốc xuống 50 km/h, vòng tua 2.200, lại thả phanh Lặp lại như vậy nếu dốc không quá nghiêng.
- Nếu dốc hơn thì phải về số 3, thậm chí số 2, nhưng không được để vòng tua máy lên quá 3.500, sẽ hại đến động cơ, hệ thống làm mát, các chi tiết máy và hộp số. Khi dốc càng gấp thì càng đi số thấp và nhấp phanh một cách tiết kiệm.
- Càng đổ đèo thì càng cần phải tận dụng động cơ, máy nén khí điều hòa để gìm xe hỗ trợ cho phanh.
6. Đổ đèo thao tác về số thế nào?
- Kỹ thuật dồn số thấp để "phanh bằng số" yêu cầu phải đồng tốc và làm đúng kỹ thuật. Nếu không làm tốt thì lại cháy côn hoặc vỡ hộp số.
- Dồn về số mấy tùy vào độ dốc, ví dụ bạn thấy con dốc này muốn leo được thì xe phải để số 2, vậy thì khi xuống con dốc này cũng cần đến số 2 mới gìm được xe, còn số cao hơn thì không thể gìm được.
- Rà phanh để xe chậm lại đến khoảng 25-30 km/h (dải tốc độ lý tưởng đảm bảo cho việc về số 2 không bị sốc hộp số và ly hợp không bị trượt nhiều).
- Về số dứt khoát và thả cho côn bám hết trở lại, nhả phanh cho trôi tiếp, vòng tua máy và tốc độ xe tăng dần mà cao quá thì lại nhấp phanh để hãm nó xuống. Nếu thấy dốc lại dốc hơn nữa, vòng tua máy quá cao, xe thì chở nặng, cần phanh về số thấp hơn nữa, nguyên tắc vẫn thế.
- Quan sát đồng hồ vòng tua máy để đảm bảo máy không chạy với vòng tua quá cao, cao quá thì lại rà phanh.
Với những chia sẻ khá hay trên đây mong rằng sẽ giúp bạn phần nào ghi nhớ các kỹ năng phanh và đổ đèo. Nếu không biết cách kiểm soát chính xác chiếc xe của mình khi đổ đèo, bạn có thể khiến mình và người đi cùng gặp tai nạn. Chúc mọi người thượng lộ bình an.
Hãy chia sẻ kinh nghiệm và trải nghiệm của bạn khi phanh và đổ đèo bằng ôtô để mọi người cùng tham khảo qua bình luận dưới đây nhé!
Xem thêm:
>> Cập nhật giá xe, xe ôtô mới, đã qua sử dụng nhanh chóng chỉ có tại Mua Bán Ôtô
>> Đăng tin mua bán xe ôtô nhanh chóng, dễ dàng cùng Mạng Xã Hội Mua Bán Nhanh!