news-details
Cẩm nang ô tô

Bổ sung thêm 33 hành vi bị xử phạt vi phạm giao thông

Bổ sung thêm 33 hành vi bị xử phạt vi phạm giao thông

Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ban hành trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP, Nghị định số 107/2014/NĐ-CP và bổ sung, sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản (mới) hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cũng như khắc phục những bất cập trong các nghị định trước đây.

Xem nghị định chi tiết tại: Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt

Bổ sung quy định xử phạt đối với 33 hành vi vi phạm

Điểm đáng chú ý, Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt đối với 33 hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định hiện hành, bao gồm:

Người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe ô tô đang chạy tại các hàng ghế phía sau hoặc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường để phù hợp với Công ước 1968 về Giao thông đường bộ mà Việt Nam đã gia nhập.

Hành vi dùng chân điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường; hành vi điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà).

Người điều khiển xe ô tô, xe mô tô có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.

Xử phạt đối với tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện hành vi vi phạm: không có biện pháp khắc phục kịp thời các hư hỏng của công trình đường bộ gây mất an toàn giao thông; không có quy trình quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ theo quy định hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung quy định trong quy trình quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường bộ đã được phê duyệt; rải, đổ hóa chất gây hư hỏng công trình đường bộ.

Xử phạt đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải không lập hồ sơ lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề của lái xe theo quy định; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe theo quy định; sử dụng từ 2 hợp đồng vận chuyển trở lên cho một chuyến xe vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách du lịch; bán vé hoặc xác nhận đặt chỗ cho hành khách đối với xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, vận tải hành khách du lịch bến xe không thực hiện quy trình bảo đảman toàn giao thông cho xe ra, vào bến hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy trình bảo đảm an toàn giao thông cho xe ra, vào bến.

Tổ chức thực hiện thu phí đường bộ để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực thu phí cũng bị xử phạt.

Xử phạt đối với cơ sở đào tạo lái xe thực hiện hành vi vi phạm: sử dụng xe tập lái không có mui che mưa, nắng, không có ghế ngồi chắc chắn cho người học trên thùng xe; không thực hiện việc ký hợp đồng đào tạo, thanh lý hợp đồng đào tạo với người học lái xe theo quy định hoặc có ký hợp đồng đào tạo, thanh lý hợp đồng đào tạo nhưng không do người học lái xe trực tiếp ký; sử dụng máy tính trong kỳ sát hạch lý thuyết có đáp án của câu hỏi sát hạch lý thuyết hoặc kết nối với đường truyền ra ngoài phòng thi trái quy định.

Tuy nhiên, để có thời gian tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết, thực hiện, Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng quy định lộ trình áp dụng xử phạt như áp dụng xử phạt từ 1/1/2017 đối với một số hành vi như hành vi không sang tên đổi chủ, hành vi chở hàng vượt quá tải trọng trục của xe, hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe ô tô, hành vi sử dụng xe taxi chở hành khách không có thiết bị in hóa đơn theo quy định; áp dụng từ 1/1/2018 đối với hành vi không thắt dây an toàn tại các hàng ghế phía sau của xe ô tô (đối với các vị trí có trang bị dây an toàn)...

Tăng mức xử phạt với 153 hành vi

Nghị định điều chỉnh mức phạt tiền đối với 153 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ gồm nhóm vi phạm về nồng độ cồn; nhóm hành vi vi phạm quy định về tốc độ; nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc; nhóm hành vi chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện, cầu đường; hành vi vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo đó, tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn ở mức 3 khi điều khiển xe ô tô (vượt quá 80mlg/100ml máu) từ 10-15 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng lên 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4-6 tháng; khi điều khiển xe mô tô từ 2-3 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 2 tháng lên 3-4 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3-5 tháng.

Đối với nhóm hành vi liên quan đến đường cao tốc, hành vi điều khiển xe mô tô, gắn máy đi vào đường cao tốc tăng mức phạt từ 200-400 nghìn đồng lên thành 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng; hành vi không tuân thủ quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc xử phạt từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng tăng lên 5-6 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng; hành vi đón, trả khách trên đường cao tốc từ 1-2 triệu, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1 tháng lên 5-6 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng...

Đồng thời, Nghị định tăng mức xử phạt đối với hành vi chở hàng quá vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên 150% đối với lái xe, từ 7-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3 tháng lên 8-12 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3- 5 tháng, đối với chủ phương tiện là cá nhân từ 16-18 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng; tăng mức xử phạt đối với hành vi chở hàng vượt quá tải trọng cho phép của cầu đường trên 150% đối với lái xe từ 7-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3 tháng lên 14-16 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 3-5 tháng.

Tăng mức xử phạt đối với lái xe có hành vi chở vượt quá số người quy định từ 300-500 nghìn đồng/người lên 400-600 nghìn đồng/người của tuyến có cự ly dưới 300km, từ 800-1 triệu đồng/người lên 1-2 triệu đồng/người của tuyến có cự ly trên 300km; đối với chủ phương tiện từ 2-4 triệu đồng/trường hợp có lái xe chở quá số người lên 2-4 triệu đồng/người vượt quá quy định.

Mức xử phạt đối với hành vi xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ ở ngoài đô thị cũng tăng từ 2-3 triệu đồng/cá nhân lên 15-20 triệu đồng/cá nhân; ở trong đô thị từ 5-7 triệu đồng/cá nhân lên 15-20 triệu đồng/cá nhân.

Đối với cơ sở đào tạo lái xe, nếu tổ chức tuyển sinh, đào tạo không đúng hạng Giấy phép lái xe được phép đào tạo mức phạt tăng từ 5-10 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng; cơ sở đào tạo lái xe đào tạo không đúng nội dung, chương trình, giáo trình theo quy định tăng mức phạt từ 5-10 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng...

Mô tả rõ hơn nhiều hành vi vi phạm

Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã bổ sung cụm từ “kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện” vào khái niệm “các loại xe tương tự xe ô tô” để bảo đảm đầy đủ chế tài đối với các hành vi vi phạm của người điều khiển, chủ phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện; sửa đổi các cụm từ để thể hiện đúng bản chất của hành vi như cụm từ “hết hạn sử dụng” thành “hết giá trị sử dụng”...

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chẳng hạn, thay cụm từ “trời tối” bằng “từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ sáng ngày hôm sau” đối với hành vi không sử dụng đèn chiếu sáng khi trời tối; mô tả lại hành vi tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe của lái xe thành “điều khiển xe ô tô tải lắp thùng xe có kích thước không đúng thiết kế của nhà sản xuất...”.

Đối với hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô kéo theo xe khác, vật khác không đúng quy định thay vì liệt kê những trường hợp vi phạm đã đưa ra loại trừ trường hợp đúng quy định để bao quát đầy đủ hành vi vi phạm; hoặc bổ sung cụm từ “trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức” đối với hành vi chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ; mô tả lại hành vi của chủ phương tiện “giao hoặc để cho người làm công...” thành “giao phương tiện hoặc để cho người làm công...”.

Theo Báo Chính Phủ



You can share this post!