1 Chọn xe nào?
Sau khi cân nhắc số tiền mà bạn có, bạn nên tập trung khoanh vùng những chiếc xe nào vừa túi tiền và phù hợp nhất với nhu cầu của bạn. Nếu như bạn còn độc thân hay gia đình chỉ có 3 người, bạn không nên mua những chiếc xe đa dụng cỡ lớn hoặc xe 7 chỗ ngồi. Thực tế, rất hiếm khi xe bạn chở đủ số người trên xe. Bạn sẽ lãng phí xăng một cách không cần thiết và tăng diện tích chiếm chỗ trên mặt đường vốn đã chật hẹp của đô thị.
Bạn nên lựa chọn một chiếc xe vừa vặn với nhu cầu sử dụng hàng ngày, có tiếng về độ tin cậy cao và tiết kiệm xăng. Điểm này là rất quan trọng bởi khi sử dụng xe cũ đã hết hạn bảo hành, xe sẽ ăn xăng hơn và dễ hỏng hóc hơn xe mới. Theo kinh nghiệm của giới buôn xe cũ ở Hà Nội, các xe Nhật vẫn có giá trị bán lại cao nhất do giá thành vừa phải, bền và ăn ít xăng. Xe Mỹ và Đức có độ bền cao nhưng hao xăng và phụ tùng thay thế giá khá cao. Trong khi đó xe Hàn Quốc giá rẻ hơn, phụ tùng thay thế cũng rẻ và khá tiết kiệm xăng, nhưng sau vài năm sử dụng mau xuống cấp và hay hỏng vặt.
Không nên mua những model xe đã không còn được sản xuất ví dụ như Peugeot 309, Daewoo Cielo... Việc sửa chữa, thay thế phụ tùng sẽ vô cùng khó khăn và đắt đỏ cho bạn sau này.
2 Mua xe từ nguồn nào?
Internet, rao vặt trên báo giấy, đại lý xe cũ hay người quen giới thiệu là những nguồn phổ biến mà bạn có thể sử dụng khi tìm mua xe. Tốt nhất bạn nên tìm cách mua xe chính chủ, không qua trung gian. Như vậy bạn sẽ được đảm bảo về giấy tờ nguồn gốc xe.
Mua qua người quen có lẽ là kênh đáng tin cậy nhất do bạn có thể xác thực được thông tin về xe với độ chính xác cao.
Các tin rao vặt trên báo giấy hoặc internet có thể tham khảo, nhưng cần cẩn thận “cò xe” ngụy trang là rao bán xe chính chủ. Với thông tin trên internet, bạn nên google số điện thoại của người rao bán xe. Nếu như số điện thoại này xuất hiện ở hàng loạt các site rao vặt với nội dung rao bán nhiều loại xe khác nhau thì khả năng đó chính là cò mồi xe.
3 Những yếu tố phụ
- Chỉ xem xe vào ban ngày: Thỏa thuận chủ xe cho xem xe vào ban ngày, tránh trường hợp đến xem xe khi trời chiều nhập nhoạng hoặc vào buổi tối. Ánh sáng không đủ sẽ che dấu lỗi tốt cho xe và giấy tờ xe. Tốt nhất bạn nên hỏi xem xe vào buổi sáng, khi xe chưa được khởi động để có thể tự mình kiểm chứng khả năng khởi động nguội của xe. Máy nguội sẽ tiết lộ nhiều điều hơn là một chiếc xe đã chạy nóng máy.
- Tư vấn chuyên gia: nếu bạn không biết nhiều về xe, bạn nên nhờ người quen là một người hiểu biết về xe cộ, hoặc một thợ sửa xe lành nghề đến xem xe cùng bạn. Họ sẽ phát hiện ra những lỗi mà bạn không biết.
- Kiểm tra giấy tờ: kiểm tra kỹ càng giấy tờ xe và các tài liệu liên quan như hóa đơn gốc, bảo hiểm, giấy tờ bảo dưỡng, nhật ký bảo hành bảo dưỡng. Những chi tiết như số khung, số máy hiển thị ngay ở những tài liệu này.
- Ngoài đăng ký ô tô, bạn nên hỏi xem cả sổ bảo hành và lịch sử bảo dưỡng xe. Một chiếc xe có lưu đầy đủ lịch sử bảo dưỡng ở một gara uy tín đứng đầu danh sách xe nên mua, bởi bạn sẽ nắm rõ thông tin xe đã từng bị va chạm bao nhiêu lần, thay thế sửa chữa bao nhiêu lần.
- Kiểm tra số VIN: số VIN (Vehicle Identification Number) giống như một dạng chứng minh thư của ô tô. Bạn hãy kiểm tra số VIN của xe với 17 ký tự để biết thông tin về nơi và thời gian sản xuất xe, loại động cơ, kiểu xe các thiết bị khác nhau và thứ tự sản xuất.
- Kiểm tra số km đã đi: nhiều người cho rằng đồng hồ công tơ mét hiển thị càng thấp, thì xe càng đáng mua. Điều này hoàn toàn không đúng. Một chiếc xe 10 năm tuổi nhưng mới chỉ chạy 3 vạn km không phải là chiếc xe nên mua. Xe được thiết kế để chạy, nếu đắp chiếu quá lâu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Hơn nữa, người bán hoàn toàn có thể “phù phép” đồng hồ công tơ mét để đánh lừa người mua. Trong trường hợp này, bạn cần xem xét thêm các yếu tố khác, ví dụ thông số in trên lốp xe. Thông số này sẽ cho ta biết thêm về tuổi thọ của xe (trường hợp xe chưa bị thay hết tất cả các lốp).
- Lái thử xe: Tất nhiên khi mua xe cũ bạn hãy yêu cầu được lái thử. Tắt nhạc trên xe và khởi động khi máy còn nguội, thử xe trên mọi điều kiện đường có thể, chạy xe lên dốc và xuống dốc, kiểm tra khả năng tăng tốc khi bật điều hòa. Hãy chắc chắn bạn hoàn toàn hài lòng về vận hành của xe trước khi quyết định mua xe.
- Không chịu áp lực từ chủ xe: bạn đừng để những lời hoa mỹ của chủ xe làm lạc lối mình, cũng như không để họ ép mình mua xe khi chưa hoàn toàn ưng ý. Nếu bạn chưa hoàn toàn ưng ý, hãy về nhà và trả lời sau. Đừng vội vàng mua ngay do chủ xe khăng khăng xe tốt rồi sau đó lại hối tiếc về quyết định của mình.
- Thương lượng: xe cũ không có một mức giá chuẩn nào, vậy nên đừng quên thương lượng để có mức giá tốt nhất.
- Chìa khóa phụ: Lưu ý luôn luôn yêu cầu phải được nhận chìa khóa phụ theo xe. Đây là điều rất nhiều người quên khi mua xe cũ, khiến chiếc xe rất dễ bị đánh cắp.
- Giấy tờ mua bán: khi lập giấy tờ mua bán xe, cần ghi rõ ngày mua bán xe và số km đã đi, tránh trường hợp liên đới trách nhiệm khi có vấn đề đối với xe ở trước thời điểm bạn mua xe.