news-details
Tư vấn chọn mua

Các dòng laptop Asus

Phân biệt các dòng laptop Asus

Các model hiện tại

Theo website của Asus, laptop Asus được "quy hoạch" thành các nhóm sau:

- Thương gia: hiện chỉ có dòng P81 series, hướng tới các doanh nhân

- Phiên bản đặc biệt: gồm các dòng laptop có thiết kế đặc biệt, như thiết kế vỏ tre Bamboo (gồm các dòng U33Jc, U43Jc, U53Jc, U43SD) và thiết kế siêu xe Lamborghini (gồm các dòng VX7 và VX5 series).

 Một mẫu laptop vỏ tre của Asus

- Siêu cơ động: tất cả các laptop còn lại có ký hiệu đầu là U hoặc UL, riêng dòng UX được đặt riêng cho các Ultrabook. Ký hiệu các laptop dòng U khá lộn xộn. Thông thường chữ số đầu tiên đứng sau U hoặc UL sẽ biểu thị kích thước màn hình, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Chẳng hạn U80Jt không có màn hình 18 inch mà là 14 inch, nhưng U53Jc lại có màn hình 15.6 inch… .Tất cả các laptop dòng U đều có thiết kế vỏ nhôm siêu nhẹ (trừ các phiên bản đặc biệt kể trên), thời lượng pin có thể đạt tới trên 10 giờ, cấu hình bình thường.

- Giải trí đa phương tiện: các laptop có ký hiệu N được xếp vào nhóm này, gồm các series sau: N43, N53, N71, N73, NX90, N75, N61, N82. Thiết kế của nhóm này cũng gần tương tự dòng U nhưng được đầu tư nhiều hơn vào chất lượng loa, màn hình, card đồ họa.

- Chơi game: các laptop có ký hiệu G, gồm các series G51, G53, G60, G74, G73. Các laptop thuộc dòng này luôn có cấu hình cao, màn hình lớn, trọng lượng lớn, card đồ họa mạnh, hệ thống tản nhiệt tốt để phục vụ các game thủ "cày" game.

- Hiệu năng linh hoạt: gồm các dòng A, K, X, riêng dòng N51 cũng được xếp vào nhóm này chứ không thuộc nhóm giải trí đa phương tiện. Các laptop dòng A thường có màu đen, dòng K có màu nâu, dòng X có nhiều màu sắc hơn. Cấu hình của các laptop thuộc nhóm này rất đa dạng, nhằm phục vụ nhiều lớp người dùng từ bình dân tới cao cấp.

Các model cũ

Một số dòng laptop Asus đời cũ hiện đã ngừng sản xuất nhưng vẫn còn lưu hành trên thị trường. Cách chia nhóm dưới đây giúp bạn phân biệt các model này:

- Nhóm "Digital Home" – thiết bị số gia đình: Những laptop này mang những tính năng giải trí đa phương tiện tiên tiến nhất, cũng như luôn dẫn đầu thị trường về độ mỏng nhẹ và khả năng siêu di động. Chúng là những "trung tâm giải trí" đặc biệt mỏng và nhẹ. Dòng laptop này nổi bật ở khả năng chơi game, chơi và biên tập video/audio, và khả năng lướt web nhanh chóng, thuận tiện.

Các model thuộc nhóm: W1, W2 series

- Nhóm "Personal Entertainment Center" – trung tâm giải trí cá nhân: Asus coi những laptop này như là những máy trạm phục vụ giải trí multimedia mà người dùng có thể dễ dàng dịch chuyển máy từ phòng nọ sang phòng kia (Room-to-Room Enjoyment). Nhìn chung các tính năng và hình thức của máy khá giống với dòng W series, nhưng cao cấp hơn một chút.

Các model thuộc nhóm: A5, A7 series, trong đó các model A5 có kích thước nhỏ hơn A7.

- Nhóm "Superior Mobility" – siêu di động: Các laptop này đều có kích thước màn hình dưới 14.1 inch và trọng lượng dưới 2 kg. Các tính năng chơi game, video/audio hay lướt web của các laptop này đều ở mức thấp.

Các model thuộc nhóm: M5, S2, S3, S5, U5, W5, W6 series

- Nhóm "Business" – doanh nhân, doanh nghiệp: Đây là một trong những dòng sản phẩm chính của Asus. Chúng có kích thước đủ lớn để có thể sử dụng như là một máy chính để làm việc (không phải máy sơ-cua), cũng như đủ nhỏ để có thể mang tới các lớp học hay các cuộc họp trong công ty. Các laptop này được trang bị công nghệ Power4Gear của Asus giúp duy trì thời lượng pin lâu. Máy được trang bị các tính năng chơi game và giải trí thông thường.

Các models thuộc nhóm: A3, A6, L4, M6 series

- Nhóm "Performance" – hiệu suất: Những laptop này được thiết kế cho mục đích làm việc cố định là chính, thỉnh thoảng mới di chuyển, nghĩa là máy chú trọng tới hiệu suất làm việc hơn là độ gọn nhẹ. Chúng thường được trang bị những bộ vi xử lý hiện đại nhất của Intel và AMD, cũng như các card đồ họa rời loại trung-cao cấp, mang lại khả năng chơi game, đồ họa cao cấp. Đây là dòng laptop nhanh bị lỗi thời nhất, do tốc độ phát triển của bộ vi xử lý rất nhanh. Ngoài ra, hiệu suất làm việc cao cũng khiến chúng ngốn pin nhanh chóng, nên thời lượng pin khá ngắn.

Các model thuộc nhóm: A2, A4, L5 series

- Nhóm "Portability" – máy tính di động. Đây cũng là một nhóm laptop mỏng nhẹ của Asus nhưng có giá rẻ hơn nhóm siêu di động, kích thước và trọng lượng cũng lớn hơn. Các laptop thuộc nhóm này có nhiều cấu hình khác nhau, mức tiêu thụ điện năng cũng như thời lượng pin khác nhau. Chúng có thể là một phiên bản kích thước lớn hơn của dòng siêu di động, hoặc có thể là model nhỏ hơn của dòng laptop phổ thông. Các tính năng chơi game, giải trí hay lướt web đều thuộc hạng trung-cao cấp.

Các model thuộc nhóm: A8, M2, M3, M9, V6, W3 series

Ý nghĩa các chữ cái trong tên model

Asus đặt tên cho mỗi thiết kế khung máy một chữ cái, ví dụ A, V, W, M, K, N, U…, trong đó mỗi thiết kế mang những đặc điểm riêng cụ thể, chẳng hạn như độ mỏng, chất liệu làm bằng sợi carbon,…

Chẳng hạn, model N53Jf:

Asus N53Jf - đặc trưng cho cách đặt tên laptop của Asus

- Chữ cái đầu tiên N biểu thị một kiểu thiết kế khung máy hướng tới mục đích giải trí của người dùng, với cách bố trí bàn phím, các cổng kết nối, khe thoát nhiệt… tương tự nhau.

- Chữ số 5 biểu thị kích thước màn hình 15.6 inch (tuy nhiên, không phải mọi laptop Asus đều có quy tắc này)

- Chữ số 3 thể hiện thế hệ của dòng laptop này

- Chữ cái J thể hiện chipset mà máy sử dụng.

- Chữ cái đứng thứ năm f (có thể hoặc không xuất hiện trong tên model), biểu thị cấu hình máy. Ví dụ, dòng N53J có các model: N53Jf, N53Jg, N53Jl, N53Jn, N53Jq.

Đánh giá của người dùng về laptop Asus

Chắc hẳn khi các bạn tìm đến đọc bài viết này cũng đang có tâm lý tìm mua laptop Asus, và cũng đang băn khoăn thắc mắc không biết ASUS có thực sự tốt như những gì người ta đồn đại. Vì cách đây 4 năm, khi mình mua laptop cũng đắn đo nhiều lắm, mua ASUS hay DELL, HP, có nên mua ASUS hay không. Và mình đang viết bài này trên chiếc laptop ASUS mà cách đây 4 năm mình đã chọn nó (dù lúc đó ASUS chưa thực sự phổ biến như bây giờ) và vẫn đang hài lòng với nó… Vậy ASUS có thực sự tốt như bạn nghĩ?

Cách đây 4 năm khi nói đến ASUS, người ta sẽ nghĩ ngay đến 1 nhà sản xuất mainboard cực kỳ bền, giá cả chỉ mắc hơn 1 chút so với những hãng khác, chính vì thế mà mainboard ASUS rất được lòng giới công nghệ và game thủ. Một chiếc máy tính có mainboard tốt, bền thì đương nhiên cả máy tính sẽ chạy bền và ổn định. hồi đó mình lại không thích mainboard ASUS, không thích vì nghèo quá không có tiền mua, toàn xài hàng second hand của mấy hãng như MSI, Foxcon thôi, nên cũng ước ao 1 ngày nào đó có tiền mua 1 mainboard ASUS, ổ quang ASUS, VGA rời ASUS cho nó oai, chạy cho ổn định…

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, xã hội ngày càng phát triển, đời sống được nâng lên, mình cũng ra trường, đi làm bắt đầu có thu nhập, làm vài tháng nhờ tiết kiệm nên mình cũng có điều kiện sắm laptop. Do là đồng tiền mồ hôi nước mắt, dành dụm chắt chiu, nên mình đắn đo, suy nghĩ, tìm kiếm thông tin kỹ lắm… Laptop ASUS thời đó kiểu dáng nhìn cũng được, cũng nam tính, build cứng cáp và được bảo hành 2 năm (trong khi các hãng khác đều bảo hành 1 năm), mình bắt đầu tính toán suy nghĩ, 1 máy BH 2 năm thì mua về dùng ít nhất cũng được 2 năm thì sẽ hỏng, còn những máy BH 1 năm, nếu lỡ xài đến 1,5 năm mà máy lăn đùng ra chết thì phải tốn nhiều tiền để sửa chữa, xét về độ bền của mainboard ASUS thì khỏi phải nói, 3 năm là ít, 1 thương hiệu mạnh về độ bền cho mainboard như thế, thì triết lý thiết kế cho laptop cũng sẽ như thế, nên ASUS đã tự tin trang bị 2 năm bảo hành cho sản phẩm của mình. Thế là mua về dùng, model K40IN giá gần 13tr.

Cho đến nay thì chiếc máy đã gắn bó với mình 4 năm rồi, nhưng phải nói là máy chạy khá mát, bền, ổn định, ít lỗi vặt…

Tính mình nhiều khi cũng ẩu, để lên con dream mà không cài dây, nên làm rớt máy hoài, làm máy bị mốp góc, nhưng vẫn cứ cày ngày đêm mệt nghỉ, đến giờ với mình, cái lap ASUS này hơn cả 1 cái máy, nó là 1 kỷ niệm… Với mình thì ASUS vẫn tốt cả về dịch vụ lẫn chất lượng. Có lần máy hết bảo hành, mang ra TTBH nhờ vệ sinh, được miễn phí dịch vụ.

Những máy ASUS giờ thiết kế đẹp hơn, giá cả cũng phải chăng, mình vừa mua 1 máy X202 cho bạn gái xài cũng được gần năm rồi, chưa nghe phàn nàn gì hết.

Bình luận của các bạn khác:

"Chúc mừng thớt 4 năm trước đã có sự lựa chọn đúng đắn, phần cứng của ASUS công nhận khá bền, ổn định và mát" - bạn Viên cho biết

"PC của mình mua năm 2008 chạy suốt 5 năm mà vẫn không bị gì, đến giờ mới có, thiệt uổng, ASUS bền cực kỳ" - bạn Sơn cho biết

"Main của Asus rất là bền và khá thông minh các bạn à" - bạn Hào cho biết

"Asus - Tôi thấy rất hài lòng, mua 1 em K55 A từ hồi tháng 6-2013 tới giờ, mới đầu cài phần mềm linh tinh lên hết và bị xung đột, tưởng em nó bị làm sao. Giờ thì thấy em nó khá ổn định, máy mát, chẳng phải tốn tiền mua đế tản nhiệt làm gì cho tốn." - bạn Thủy cho biết

"Nếu là một người chơi linh kiện desktop thì cái tên Asus sẽ luôn là lựa chọn ok để build đc 1 chiếc desktop với cấu hình cao + 1 cái giá phải chăng + chất lượng ổn định" - bạn Hoàng chia sẻ

Kinh nghiệm chọn mua Laptop

Chọn mua máy tính xách tay hoàn toàn khác máy tính để bàn. Tiêu chí “càng nhiều RAM, CPU càng mạnh càng tốt” trên PC hoàn toàn không áp dụng đựơc với laptop, và sau đây là 10 điều nên biết khi bạn có ý định trang bị cho mình một chiếc laptop mới.

  1. Hệ điều hành

Phần lớn máy tính để bàn bán ra sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft, hệ điều hành phổ biến hiện nay là Windows 7 và Windows 8.

Microsoft cho phép người dùng lựa chọn các phiên bản khác nhau, mỗi phiên bản cho một mục đích sử dụng riêng. Lấy ví dụ, phiên bản Bussiness dùng cho doanh nhân sẽ có nhiều tính năng phục vụ cho công việc hơn, và đắt hơn Home dành cho gia đình chỉ dùng để lướt web, gửi mail và xử lý văn bản đơn giản. Do chi phí dành cho hệ điều hành có bản quyền được tính kèm vào giá laptop, hãy cân nhắc phiên bản phù hợp với nhu cầu sử dụng hàng ngày của bạn.

  1. CPU - Bộ Vi xử lý

Các dòng laptop được quảng cáo với giá hấp dẫn thường không có CPU “mạnh mẽ” cho lắm. Hãy cố gắng chọn mua mẫu máy dùng CPU chuyên dành cho tính toán di động - yếu hơn dòng tương đương trên máy tính để bàn, nhưng tốn ít điện hơn. Nếu không chú ý đến chi tiết này, bạn sẽ sở hữu một chiếc laptop nóng như máy sấy tóc, thời gian dùng pin rất ngắn và tải phần mềm ì ạch do không đủ điện cung cấp.

Ứng cử viên tốt nhất cho CPU của laptop là Core i3, i5 cho đến Core i7 của Intel: năng lực tính toán mạnh mẽ và nhu cầu năng lượng ít hơn hẳn so với các dòng chip Pentium trước đó.

  1. RAM

Phần lớn laptop hiện nay thường được trang bị ít nhất 2GB RAM. Lượng bộ nhớ này khá đủ cho hệ điều hành, tuy nhiên có nhiều ứng dụng của hãng thứ 3 cũng đòi hỏi sử dụng phần lớn bộ nhớ trong, do đó sẽ không thể hoạt động với 100% năng lực. Nếu bạn thường xuyên sử dụng nhiều phần mềm một lúc trong khi làm việc (nghe nhạc trong khi lướt web với FireFox mở nhiều tab đồng thời, và xử lý văn bản trên Word cùng một lúc hay có sử dụng phần mềm đồ họa như Photoshop), hãy trang bị ít nhất 4GB RAM cho laptop.

  1. Card màn hình

Cái giá phải trả cho năng lực xử lý hình ảnh mạnh mẽ trên máy tính xách tay không hề nhỏ. Có hai loại card xử lý đồ họa: Onboard, sử dụng chung RAM hệ thống và card rời. Nếu bạn muốn dùng Windows 7 với đầy đủ vẻ bóng bẩy hào nhoáng của HĐH này (giao diện Aero, menu trong suốt, duyệt cửa sổ 3 chiều…) đồng thời có sử dụng nhiều ứng dụng đồ hoạ, hoặc chơi game 3D thì một card xử lý đồ hoạ VGA rời loại tốt là giải pháp tốt nhất.

Mặc dù dung lượng bộ nhớ RAM không phải tất cả, bạn nên chọn sản phẩm có ít nhất 2GB và từ 4GB trở lên nếu chơi game hoặc xử lý phim-ảnh, thiết kế kĩ thuật.

  1. Cổng giao tiếp

Nhiều khách hàng “ngây thơ” cho rằng bất kì laptop nào cũng có sẵn cổng USB, VGA, DVI, Serial, HDMI.. Sự thật lại khá phũ phàng: nhằm giảm chi phí xuất xưởng, laptop được sản xuất với số cổng giao tiếp ít hơn trên máy tính để bàn.

Máy tính xách tay giá rẻ thưởng chỉ có 2 cổng USB, không có cổng HDMI và chỉ có một cổng VGA để nối với màn hình ngoài. Vì lẽ đó, bạn nên tìm hiểu kĩ các thông số sản phẩm trước khi quyết định mua, nhằm đảm bảo có đủ cổng cho tất cả phụ kiện của mình!

Một yếu tố khác cần lưu tâm: phần lớn MTXT đều có card mạng (LAN) đi kèm, nhưng không phải dòng máy nào cũng có sẵn khe cắm card rời (Một số dòng máy tính xách tay mỏng thường bỏ bớt cổng này).

  1. Kích thước màn hình

Cần cân nhắc thật kĩ nhu cầu sử dụng màn hình trước khi quyết định mua laptop mới. Bạn cho rằng màn hình 17 inch là vừa vặn? Rất tiếc, 17-inch là .. quá to trong thế giới máy tính xách tay!

Tại sao? Lý do nằm ở cách bạn sử dụng laptop. Máy tính xách tay được thiết kế để mang vác trên đường, đem vào phòng họp, để trên giường ngủ, bỏ vào va li, v..v, và màn hình càng to, chiếc máy sẽ càng nặng nề, cồng kềnh. Màn 14 inch là kích thước lý tưởng nhất cho những nhu cầu trên.

Nếu không có ý định mang laptop đi lại liên tục trên đường, bạn có thể chọn bất cứ cỡ nào mình muốn. Nhưng 14 inch luôn là lựa chọn hợp lý nhất: bạn có thể mang máy theo bất cứ đâu, bất cứ khi nào bạn muốn, và khi cần vẫn có thể nối laptop với màn hình thông thường. Chú ý thêm điều thứ 5: laptop phải có đủ cổng giao tiếp cần thiết.

  1. Wi-Fi tích hợp

Hiện nay các laptop đều có kết nối Wifi và đều dùng chuẩn 802.11:

- Chuẩn 802.11b là phiên bản đầu tiên trên thị trường. Đây là chuẩn chậm nhất và rẻ tiền nhất, và nó trở nên ít phổ biến hơn so với các chuẩn khác. 802.11b phát tín hiệu ở tần số 2.4 GHz, nó có thể xử lý đến 11 megabit/giây, và nó sử dụng mã CCK (complimentary code keying).

- Chuẩn 802.11g cũng phát ở tần số 2.4 GHz, nhưng nhanh hơn so với chuẩn 802.11b, tốc độ xử lý đạt 54 megabit/giây. Chuẩn 802.11g nhanh hơn vì nó sử dụng mã OFDM (orthogonal frequency-division multiplexing), một công nghệ mã hóa hiệu quả hơn.

- Chuẩn 802.11a phát ở tần số 5 GHz và có thể đạt đến 54 megabit/ giây. Nó cũng sử dụng mã OFDM. Những chuẩn mới hơn sau này như 802.11n còn nhanh hơn chuẩn 802.11a, nhưng 802.11n vẫn chưa phải là chuẩn cuối cùng.

- Chuẩn 802.11n cũng phát ở tần số 2.4 GHz, nhưng nhanh hơn so với chuẩn 802.11a, tốc độ xử lý đạt 300 megabit/giây.

Với laptop được trang bị bộ kết nối WiFi có thể hoạt động trên cả ba tần số và có thể nhảy qua lại giữa các tần số khác nhau một cách nhanh chóng. Việc nhảy qua lại giữa các tần số giúp giảm thiểu sự nhiễu sóng và cho phép nhiều thiết bị kết nối không dây cùng một lúc.

Bạn cần xem laptop mình định mua có hỗ trợ kết nối Wifi theo chuẩn nào.

  1. Bluetooth tích hợp

Công nghệ Bluetooth trước kia chỉ có mặt trên các laptop hạng sang. Bluetooth phổ biến hơn trên các phương tiện giao tiếp cầm tay như điện thoại di động, nhưng MTXT được tích hợp công nghệ này sẽ rất hữu dụng trong trường hợp bạn cần kết nối máy tính với mobile phone. Ngoài ra kết nối bluetooth cũng được ứng dụng trong các loại chuột không dây.

  1. Track pad

Track pad dùng thay cho chuột cũng là chức năng phổ biến trên nhiều mẫu laptop. Tuy nhiên thiết kế track pad và pointer trên các dòng máy đôi khi khác nhau, và ảnh hưởng đến sự tiện dụng khi làm việc của bạn. Ngay cả khi bạn có ý định sử dụng chuột ngoài thường xuyên, sẽ có lúc bạn phải dùng máy không có chuột ngoài – và track pad là lựa chọn duy nhất.

  1. Pin

Pin là yếu tố cực kì quan trọng, nhưng không phải là nhân tố quyết định khi mua laptop. Nếu loại pin đi kèm không đáp ứng được nhu cầu, bạn có thể thay thế pin có tuổi thọ dài hơn, hoặc đơn giản mua thêm pin dự phòng. Pin phổ biến hiện sử dụng 4 hoặc 6 cell, công nghệ mới chỉ sử dụng 3 cell để giảm trọng lượng nhưng dung lượng pin vẫn ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả loại 6 cell thế hệ cũ. Điều cần chú ý cuối cùng: pin to hơn sẽ ảnh hưởng đến hình dáng của Laptop, đặc biệt với các dòng máy mỏng-gọn-sành điệu.

Mua Các dòng laptop Asus ở đâu

Mua bán laptop Asus tại MuaBanNhanh.com. Xem ngay: Các dòng laptop Asus

Nguồn: http://muabannhanhlaptop.com/cac-dong-laptop-asus/173

You can share this post!